Hải Âu
Hải âu vừa được Cty Điện ảnh TP.HCM chọn đưa vào hệ thống rạp công chiếu trong "Tháng phim VN". “Chúng tôi chọn mua Hải âu để chiếu vì nội dung giàu tình nghĩa, cảnh quay hấp dẫn”, ông Cao Hùng - giám đốc Cty Điện ảnh TP.HCM - cho biết.
Kim Hương và Nguyễn Phi Hùng trong phimHải âu
Hải âu vừa được Cty Điện ảnh TP.HCM chọn đưa vào hệ thống rạp công chiếu trong "Tháng phim VN". “Chúng tôi chọn mua Hải âu để chiếu vì nội dung giàu tình nghĩa, cảnh quay hấp dẫn”, ông Cao Hùng - giám đốc Cty Điện ảnh TP.HCM - cho biết.
Dư âm còn nóng hổi sau thành công của phim này trong dịp công bố giải thưởng Hội Điện ảnh VN vừa qua: Hải âu, bộ phim đầu tay (dài 90 phút) của đạo diễn trẻ 31 tuổi Lê Bảo Trung, nhận giải cao nhất Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) trong thể loại phim truyện video!
Ở Hải âu (kịch bản: Ngô Hoàng Giang, quay phim: Phạm Việt Phước, Hãng TFS sản xuất) hiện diện những nhân vật mang tâm hồn đẹp và chính điều này tạo nên những xúc động cũng thật đẹp với người xem.
..Trên bãi biển của mũi Kê Gà (Phan Thiết) bỗng xuất hiện mười mấy đứa trẻ đen nhẻm đứng khuỳnh chân, dang tay... tập múa. Hình ảnh trông thật ngộ nghĩnh. Phần lớn bọn trẻ đứng tập múa là con em dân chài địa phương chính cống, quần áo rách bươm lất phất theo gió biển.
Chuyện trong phim kể rằng đám trẻ dân biển được thầy Lâm (Nguyễn Phi Hùng đóng) dạy múa. Những bàn chân mốc thếch, không dép, đạp trên cát trên đá mà đi, bỗng ngọ nguậy theo một tiết tấu là lạ; những bàn tay hằng ngày đi lượm mót cá rơi vãi trên bãi biển bỗng nhịp nhàng uốn lượn... vụng về đến thương.
Chất chứa trong những bàn tay con con vươn lên trời là cả giấc mơ. Đám trẻ ấy không ít đứa chưa bao giờ cắp sách đến trường, bỗng được học gấp gáp vài con chữ, bỗng được dò dẫm vài động tác múa: cảm xúc chảy ngầm trong đó. Ước mơ được chắp cánh.
Trong đó, tiêu điểm là nhân vật Lan, đôi chân tật nguyền, với "vết chân tròn trên cát". Trong lớp học tuềnh toàng nằm dưới hàng dương ở khu đồi Hồng (Mũi Né), cô gái nhỏ vừa chớm tuổi dậy thì ấy miệt mài đánh vần, miệt mài vẽ tranh. Đi lại khó khăn nhưng Lan không chịu cho ai tỏ ra thương hại. Lan bỏ qua những lời chọc ghẹo về tàn tật, riết rồi không ai chọc nữa. Mặc cảm được Lan giải quyết bằng cách đó - rất hồn nhiên, tỉnh rụi. Sẽ cứ phải nhớ hình ảnh Lan rạng rỡ, khuôn mặt tựa như ánh sáng bừng lên, dang tay như sải cánh hải âu, được thầy Lâm dùng động tác bê đỡ trên vai: đẹp đến lặng người ! Hình ảnh đã vượt qua mọi ngôn từ bình luận.
Người đóng vai Lan là Kim Hương, cũng xấp xỉ tuổi 15 như nhân vật, cũng đi lại bằng nạng, hiện đang sống tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và tật nguyền Thị Nghè. Vui lắm, nhịp đời bình thường lặng lẽ của Hương như được thổi men sinh động hẳn lên. Kim Hương chống nạng đi lại không còn rụt rè. Cô gái nhỏ này khoe vài bức tranh được vẽ bằng màu sáp tại "nhà" (Trung tâm Thị Nghè), nào là căn nhà xinh xinh, nào là thiếu nữ bay trên bầu trời, màu tươi rói.
Cũng vậy, nhân vật Lâm góp thêm vào ấn tượng xúc động cho phim. Mất cánh tay trong một tai nạn xe cộ, nghĩa là "dấu chấm hết" đối với một người theo nghề múa như Lâm, sau đó lại gặp phải sự từ hôn từ phía gia đình người yêu - tất cả tạo thành sự tuyệt vọng. Lâm tìm đến xóm biển trong trạng thái vô hồn, trốn chạy để lãng quên. Rồi anh tìm lại được vẻ đẹp cuộc sống từ chính sự hồn nhiên của đám trẻ quê mùa, đặc biệt từ bé Lan! Anh lao vào hết mình cho đám nhỏ, từ dạy chữ đến dạy múa.
Qua hình tượng Lâm, ngôn ngữ múa bỗng sâu xa lạ thường: múa, đó chính là ước mơ được "nói" bằng tạo hình cơ thể, bằng tiết tấu nội tâm. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nhận vai Lâm như ... "cá gặp nước", vì gốc của Phi Hùng là diễn viên múa. Vai Lâm cho thấy một khả năng biểu đạt chiều sâu diễn xuất mà vì thế Nguyễn Phi Hùng được nhận giải "Diễn viên triển vọng" của Hội Điện ảnh VN.
NGUYỄN CHƯƠNG
https://tuoitre.vn/xem-phim-hai-au-cai-dep-van-co-giua-doi-29201.htm